Saturday, November 10, 2012

Vai Trò Đảng và Lực Lượng Chính Trị Đối Lập Đấu Tranh Cho Dân chủ Tại Việt Nam

Tham Luận Hội Nghị Nhân Quyền “Vì Tự Do và Đoàn Kết”

Warsaw, Ba Lan

ddcnd_070831_2.jpg image by mangykien 
Kêu gọi CSVN hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp
Những người cộng sản không thích nghe cụm chử “đảng đối lập”. Họ dị ứng và sợ hải đối với những chử có ý nghĩa đối lập. Tất cả mọi thứ, đều phải nằm dưới sự chỉ đạo thống soái của Đảng Cộng sản.  Nói cách khác, giá trị mà bản Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền cổ xuý không thuộc phạm trù được các nhà nước Cộng sản công nhận. Nó đối nghịch như ánh sáng và bóng tối, ban ngày và ban đêm, sự thật và dối trá. 

Việt Nam không thoát ra khỏi qui luật đó. Giống như các nước cộng sản tại Đông Âu, những nổ lực đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm tạo ra sức mạnh “phản kháng” để vượt ra khỏi sự kiểm soát của đảng CSVN đã trả giá rất đắc.  Cái sức mạnh dân tộc "đối kháng" bị Cộng sản cai trị và  áp bức, mà cựu Tổng thống Tiệp Khắc Václav Havel đã từng nhận định như sau: “Đây không phải là sự kiện từ trên trời rơi xuống,  nó là một cái gì có tính tự nhiên, không thể tránh khỏi, hậu quả của một giai đoạn chuyển biến lịch sử làm ám ảnh hệ thống chính quyền Cộng Sản. Kết tinh từ hàng ngàn lý do, những kẻ phản kháng đã hiện hửu từ lâu, kể từ ngày chính quyền này ra đời vì  họ không thể chấp nhận được sự tàn bạo, tùy tiện sử dụng bạo lực để đàn áp tất cả những ai khác chính kiến.” (1)
Tại Việt nam, nổ lực hình thành các lực lượng phản kháng có tổ chức, có sức mạnh tập thể, đối đầu lại bộ máy toàn trị đã diển ra không ngừng nghĩ. Nổ lực này đã bắt đầu kể từ lúc chế độ toàn trị hiện hửu. Tuy vậy, sự trấn áp dã man và có hệ thống của Đảng CSVN đã làm cho các nổ lực này bị tiêu diệt và ít gây những ảnh hưởng rộng. Gần đây, sự xụp đổ của hệ thống chủ nghiã cộng sản trên mặt ý thức hệ và cơ cấu, cùng với sự tiến hoá của văn minh tin học trong bối cảnh các chế độ độc tài cải tổ kinh tế để tồn tại; tất cả, đã tác động trực tiếp vào tình hình dân chủ tại Việt Nam và khơi mào cho sự trổi dậy các lực lượng dân chủ một cách có hệ thống.
Năm 2006, sự ra đời của Khối 8406, một tập hợp lỏng lẽo nhưng thể hiện tính quần chúng đã khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn của lực lượng dân chủ Việt nam. Nhiều nhà dân chủ hàng đầu cùng với quần chúng thầm lặng đã đi tiên phong khi công khai vai trò của họ nhằm thách thức vị trí “cầm quyền” của chế độ toàn trị. Không phủ nhận, tinh thần của bản Hiến Chương 77 từ Tiệp Khắc đã làm nền tảng cho bản Tuyên Ngôn đòi Tự do, Dân chủ và Nhân quyền của khối này. Và dĩ nhiên, cũng giống như số phận cũa những người đã ký tên trong bản Hiến Chương 77,  nhiều người tại Việt Nam trong khối 8406 đã trả giá đắt cho niềm tin mà họ chiến đấu. Linh mục Nguyễn Văn Lý, linh hồn của khối đã bị tuyên án 8 năm tù. Nhiều thành viên của khối đã bị trấn áp, trù dập dã man, nhiều người đã phải chạy trốn ra khỏi đất nước Việt Nam.
Sự xuất hiện đảng phái đối lập công khai và không công khai đã liên tiếp thành hình tại Việt nam. Đảng Thăng Tiến Việt Nam đã bị nhà cầm quyền tiêu diệt không khoan nhượng, lãnh đạo của họ như Nguyễn Phong bị kết án 6 năm tù, phát ngôn nhân của Đảng, luật sư Lê Thị Công Nhân bị tuyên án 4 năm và giãm án còn lại 3 năm trong phiên toà phúc thẩm hồi tháng 11 năm 2007.
Ủy ban Nhân quyền cho Việt Nam, một ủy ban thành lập chỉ để tranh đấu cho quyền con người cũng đã bị trù dập khốc liệt. Luật sư Nguyễn Văn Đài, linh hồn của Ủy Ban hiện đang ở trong nhà giam của chế độ toàn trị. Anh bị tuyên án 5 năm, nhưng giãm xuống còn lại 4 năm. Đảng Dân chủ Việt Nam, đảng do giáo sư Hoàng Minh Chính thành lập đã trải qua nhiều áp lực. Từng là lãnh đạo cao cấp trong Đảng CSVN từ thời ông Hồ Chí Minh, là cựu Viện trưởng Viện Triết Học Mác-Lenin nhưng ông Chính đã nhận ra bản chất “phản động” của chế độ độc tài.  Đảng Dân chủ Việt Nam là hệ quả của quá trình tranh đấu mà bản thân ông đã trải qua hơn 10 năm tù và 9 năm quản chế tại gia.
Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, nổ lực của Công Nhân và Nông Dân trong ý niệm đấu tranh cho quyền lợi của công – nông dân, đòi quyền đình công, lao động công bằng, đòi bồi thường thỏa đáng và các phúc lợi căn bản cũng chịu chung số phận nghiệt ngã.  Có thể nói không sai, tinh thần đấu tranh và hiệu quả của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan đã tạo cho những lãnh đạo của Hiệp Hội này lòng quả cảm và niềm hy vọng. Hiện nay, phát ngôn nhân của Hiệp Hội, luật sư Trần Quốc Hiền đã bị tuyên án 5 năm tù, những thành viên còn lại như công nhân Nguyễn Tấn Hoành, nông dân Trần Thị Lệ Hằng, Đoàn Văn Diên, bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giam từ tháng 11 năm 2006 đến nay vẫn chưa đem ra xét xử. (2) Và Đảng Dân chủ Nhân dân, một đảng chủ trương đấu tranh ôn hoà, dựa trên tinh thần của Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền cũng đã bị đàn áp khốc liệt. Lãnh đạo Đảng như Bác sĩ Lê Nguyên Sang, luật sư Nguyễn Bắc Truyễn, ký giả Huỳnh Nguyên Đạo đã bị tuyên án những bản án nặng nề. Họ đang trải qua những ngày tháng tù tội chỉ vì dám đứng vào hàng ngũ những nhà “đối lập”.
Bài học hàng đầu cho tất cả những dân tộc từng là nạn nhân của các chế độ cộng sản và đã từng trả giá cho niềm tin của mình. Đó là : “Tự do – Dân chủ - Nhân quyền không cho không, biếu không mà phải đo lường bằng lòng quả cãm và sự hy sinh của chính dân tộc đó”.
Trong xứ sở, ngôi vị độc tôn lãnh đạo một Đảng được long trọng xác nhận trong bản Hiến pháp, thì hậu quả là đất nước đó sẽ vĩnh viển bị cầm quyền bởi thế lực độc tài nếu không ai dám đối đầu. Nó cũng giống như các thể chế quân chủ Vua truyền ngôi cho con cháu và giòng họ. Hiến Pháp Việt Nam cho phép đảng CSVN giử vai trò độc tôn như vậy. Những đảng phái, tập thể hình thành, hoạt động ôn hoà đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho Đảng CSVN trấn áp và tiêu diệt. Điều 4 Hiến Pháp của Đảng CSVN xác định sau:

- Đảng CSVN, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và pháp luật.
Điều này, về bản chất đối nghịch lại tinh thần và giá trị bản Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền, công nhận quyền được “tự do hội họp và lập hội, một cách hoà bình. Không một ai có thể bị cưỡng bách thống thuộc vào một hội đoàn nào” {điều 20}, cũng như “mọi người sinh ra đều được tư do, và bình đẳng về nhân phẩm, cũng như quyền lợi.” {điều 1} và “mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu”{điều 21}
Lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều triều đại phong kiến. Những triều đại Vua, Chúa đã không có bản Hiến Pháp xác định vai trò “cha truyền con nối” nhưng đã là luật bất thành văn để giữ ngôi vị độc tôn. Nhưng lịch sử cũng đã chứng minh dân tộc Việt Nam từng đấu tranh không ngừng nghỉ,  không để cho những “hủ tục” đó hiện hửu và tiếp diễn. Vì vậy, sự ra đời của những cá nhân, lực lượng dân chủ, đảng phái chính trị.  Sự đấu tranh bền bỉ và liên tục của dân tộc Việt Nam ở bất cứ thời điểm nào là những sự kiện mang tính lịch sử nhằm chiến đấu chống lại các chế độ độc tài.
Đối diện trước một tập thể từng trải và kinh nghiệm về trấn áp như Đảng Cộng sản Việt Nam, các lực lượng dân chủ đã trải qua nhiều chiêm nghiệm để rút ra những bài học.  Họ đi từng bước chập chểnh và đã hứng chịu nhiều năm bị khủng bố. Từ đấu tranh cá thể họ đã chuyển đến hợp tác tập thể, từ tập thể lỏng lẻo, rời rạc đi đến tập thể mang tính tổ chức chặt chẻ, có sự phối hợp ở nhiều tầng để bảo vệ lẩn nhau. Kết hợp giữa đấu tranh ôn hoà, công khai và không công khai, khai dụng sức mạnh chính nghĩa nhằm tìm kiếm những nổ lực yểm trợ từ bè bạn, Cộng đồng Quốc tế và Cộng đồng Người Việt Hải ngoại; những lực lượng dân chủ Việt Nam đã và đang vận dụng sức mạnh của Nhân dân, nhắm vào mục tiêu chung Tự Do – Dân chủ và Nhân Quyền, cùng đấu tranh đưa đất nước Việt Nam ra khỏi qủi đạo của toàn trị.
Cuộc cách mạng đòi Tự Do, Dân chủ và Nhân Quyền hôm nay đã vượt qua biên giới của ngăn cách. Những gì vừa xảy ra ở Việt Nam thế giới đều biết trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tin học đã mang chúng ta đến gần và là sức mạnh lật trần những dối trá che đậy của các chế độ độc tài. Nhờ vậy, cuộc cách mạng dân chủ ở Miến Điện vừa qua, hay sự thoái trào của chủ nghĩa cộng sản từ các nước Đông Âu đã thêm sức mạnh chính nghĩa và tác động tích cực vào lực lượng dân chủ Việt Nam.
Bài học vẩn là phải vận dụng triệt để sức mạnh của Nhân dân. Nếu Nhân dân có thể vượt qua nổi sợ hải; những con người từng bị áp bức, không quyền lực trong tay; nhưng khi nhận thức được vai trò lịch sử, họ sẽ tràn xuống đường, để đòi quyền làm người, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc trong một cơ chế Tự do, Dân chủ và Công bằng.  Lúc đó, lịch sử Việt Nam sẽ được viết lại trang trọng.
Trong bối cảnh như vậy; đảng phái chính trị và lực lượng dân chủ tại Việt Nam ra đời và hoạt động đối lập với đảng CSVN mang tính qui luật và đầy thử thách. Họ sẽ bị đàn áp và trù dập dã man. Nhưng trấn áp sẽ không khuất phục, tù đày vẫn không sờn.  Họ sẽ đóng vai trò như những viên đá lót quan trọng cho tiến trình đấu tranh và xây dựng một xã hội Việt Nam Dân chủ và Tiến bộ. (3)
Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10, 12 năm 2007
Đỗ Thành Công

---------
(1) Havel, Václav, Quyền lực của những kẻ không có quyền lực - 1978. Czechoslovakia.
(2) Hà Nội vừa tuyên án tù các lãnh đạo của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam ngày 10 tháng 12, ngày Quốc Tế Nhân Quyền.
(3) Bài tham luận này kính tặng lãnh đạo đảng Dân chủ Nhân dân gồm Bác sĩ Lê Nguyên Sang, luật sư Nguyễn Bắc Truyễn, ký giả Huỳnh Nguyên Đạo và những đảng viên khác của Đảng cùng các Chiến sĩ Dân chủ đang đấu tranh công khai hay âm thầm hoặc còn trong vòng tù tội.

No comments:

Post a Comment