Wednesday, November 8, 2006

Đêm Nghe Mưa Trong Tù


Đêm nghe mưa trong tù
Ngồi đếm lá thu bay
Đêm nghe mưa trong tù
Buồn nát những cơn say

Sao đi mãi không về
Để em ngóng em trông
Đêm nghe mưa trong tù
Lệ ai rớt thành giòng



Người tù ngồi cô đơn
Thân lạnh lùng
Đêm chập chùng

Ngưòi tù ngồi bơ vơ
Mưa mịt mùng
Xa nghìn trùng

Người tù ngồi nơi đây
Chôn cuộc tình
Theo đời mình



4 Phan Đăng Lưu
20/8/06

* Tặng Vợ và những người thân yêu


Prisoner lonely

Prisoner lonely
Night is falling
I am here in jail, listening to the rain
Out There somewhere
Leaves are falling
Killing my soul slowly

Why am I not home
Why am I not There
Night is falling
I am here in jail, listening to the rain
Out There somewhere
One is crying There

I am here
Prisoner lonely, cold in a far away night
Prisoner stripped, rain in a forever good bye
Prisoner trapped, love and life leave me

August 20, 2006

Sunday, January 22, 2006

À Ơi...............


Thứ bảy ngày 21 tháng 1
Tim ngừng đập
Những cánh diều đứt dây
hoảng loạn

Ai tuổi thơ chơi trốn tìm
Ta bánh xe bò
Chở nước rong khắp phố
Mưu sinh
Quay những vòng oan nghiệt
Ngậm ngùi bay
Mõi cánh chim bằng

Buối sáng lên đồi Thiền lâm
Đốt vòng nhang tưởng niệm
Chiều qua lầu ông Hoàng
Nấm mộ hoang nghe sóng
Rì rào cám dỗ
Ngoảng mặt làm ngơ
Tim đếm nhịp
Những bước chân thảm thiết

Biến Thương Chánh
Con còng đi giang hồ
Lang thang viễn xứ
30 năm qui cố hương
Những đợt sóng bạc đầu
Đã phủ kín rong rêu

Đá ông Địa chiều nay
May vẫn bay
Chim vẫn soải
Mà người đi
Đi mãi không về

À ơi
Cái ngũ ngũ cho ngoan
Mẹ còn đi cấy đồng sâu chưa về

Bùi Hoài Giang

Thứ bảy ngày 21 tháng 1 năm 2006

Friday, January 6, 2006

Praha - Velvet Revolution

Anh hùng tử nhưng hồn bất tử. Hai sinh viên Tiệp Jan Palach và Jan Zajic tự thiêu chết để phản đối cuộc xâm lăng của Liên sô hồi 1968.

Ngày 16 tháng 1 năm 1969, Jan Palach, 22 tuổi sinh viên trường Đại học Praha, khoa Triết đã tự thiêu tại Quảng trường Wenceslas để phản đối nước Nga xâm lăng Tiệp. Palach đến trước Viện bảo tàng quốc gia, cởi chiếc áo khoác, bình tỉnh bôi lên người một lớp bông gòn, tưới khắp mình chất dẫn hoả rồi châm lửa.
Lá thư tuyệt mệnh anh viết trong túi xách cho biết anh tự nguyện là ngọn đuốc sống số một, anh tin rằng sẽ có các ngọn đuốc khác noi theo trước khi Tiêp Khắc xuống đường đình công.

Palach viết " cả nước đã đến giai đoạn tuyệt vọng, chỉ có cách duy nhất là tự thiêu để cảnh tỉnh nhân dân Tiệp". Nước Tiệp sôi xục, Praha rơi lệ, gần 800 ngàn người đã đưa tiễn anh lần cuối tại Praha. Ngày 25 tháng 2, cũng ngay tại Quảng trường Wenceslas. Người thanh niên 19 tuổi, Jan Zajic đã tự nguyện làm ngọn đuốc sống thứ hai. Jan Palach va Jan Zajic đã chết cho tương lai nước Tiệp.

Anh hùng tử nhưng hồn bất tử. Du khách đến Tiệp thường đến Công trường Wenceslas để tưởng nhớ hai anh. Chúng tôi đã nghiêng mình, ngậm ngùi, thương tiếc, kính phục hai cái chết dũng cãm, đi vào lịch sử và xứng đáng để cả nước Tiệp tưởng niệm.


Vợ chồng tôi ở Praha gần 4 ngày. Đây là lần thứ hai tôi đi Tiệp Khắc, lần trước ghé thăm Praha được 2 ngày, sau cuộc cách mạng nhung vài năm. Hơn 10 năm sau cuộc cách mạng, nước Tiệp cộng sản đã hoàn toàn thay da đổi thịt. So với Paris, kinh thành hoa lệ thì Praha là một cô gaí đẹp ở ngoại ô, vẫn còn giữ được nét "hoang dã, huyền bí"; trong khi cô gái thành phố kinh kỳ Paris, đẹp nhưng với nhiều "son phấn".

Lịch trình đi Praha có quá nhiều chổ, không thể nào đi hết được. Cô con gái rượu của tôi lên mạng chọn gần chục địa điểm để tham quan, cái nào cũng không thể bỏ qua được. "We got to see this Dad !!!!"


Những người đã khởi đầu cho cuộc Cách Mạng Nhung ở Tiệp. Ban nhạc Rock Plastic People of Universe và cựu Tổng thống Tiệp Vaclav Havel - Nội dung viết trên bức tường ô nhục ở Đức " Let Me Live My Life - Enjoy Freedom....." (Tài liệu được lưu trử ở Bảo tàng viện về cộng sản tại Praha)
(còn tiếp........)

Thursday, January 5, 2006

Paris Có Gì Lạ Không Em?

Tôi đi Paris lần này là lần thứ ba. Lần đầu tiên hồi năm 1995 chỉ có ghé ở Phi Trường vài tiếng đồng hồ. Nhìn ra ngoài tuyết rơi lác đác, thèm được dạo phố Paris. Trời ơi cái tên sông Sein, nhà thờ Đức Bà, tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn... như có ma lực, cứ thôi thúc trong lòng mà đành phải hẹn laị lần sau.

Lần thứ nhì mới hồi tháng 10, 2005 nhưng ở tận Lyon miền Nam nước Pháp. Bận bịu quá chừng, ở cả tuần mà cũng không đáp metro đi Paris được. Sáng uống cafe Pháp, ăn bánh mì bagguette với dăm bông, chiều thử dinner với thịt thỏ nấu rượu vang, nhấm nháp ly rượu vang Pháp mà không rờ được cái ghế đá công viên vườn Luxembourg nên cũng chưa thấy đã.

Hôm từ giã Lyon, tôi chơi một dĩa nai xào kiểu thịt bò bít tết cho bỏ ghét nhưng dặn nhà hàng là nấu well-done. Ăn miếng thịt nai có cãm giác như miếng thịt heo và bò pha trộn. Vừa mềm mềm cũa thịt bò nhưng cứng cứng, dai dai của heo. Mùi nai thì vẫn còn phảng phất ở đâu đây.....không nồng nàn như nai ở Việt Nam, chỉ có một chút hương vị của núi rừng.

Tháng 11 tôi lại đi Paris. Lần này thì nghỉ phép hẳn hoi với vợ con. Lịch trình ghi rỏ ràng, 2 tuần lễ ở Âu Châu...tha hồ rong chơi. Tuần lễ đầu dành cho Paris, lang thang khắp phố, khắp phường. Tuần lễ thứ hai đi Âu Châu vài ngày....có thể Áo, Ý, Đức, Tiệp, Anh....những ngày còn lại thì về Paris trước khi ca bài "trời muà Đông Paris, suốt đời mình chia ly". (còn tiếp........)


Tuesday, January 3, 2006

Kagoshima - Japan

Tháng 9 vừa rồi tôi đi Kagoshima, một thành phố nằm tận cùng của phiá Nam nước Nhật. Kagoshima không có đường bay quốc tế, thành ra phải đi từ SF đến Osaka rồi đổi phi trường nội địa, lấy máy bay đi từ Osaka về Kagoshima mất 1 giờ đồng hồ.

Kagoshima đúng là thành phố buồn thiu. Chẳng có gì hấp dẫn du khách ngoại quốc hết. Ở đây nổi tiếng nhất là về khoai lang tím, đặc sản điạ phương. Khoai lang tím nấu thành rượu người Nhật kêu là Sochu, uống cũng nặng không thua gì rượu đế miền Nam. Đặc biệt chỉ duy nhất ở Kagoshima là bạn có thể uống bia tím, nấu từ khoai lang tím.

Nói đến Nhật về rượu thì thông thường người ta nghĩ đến Sake. Thực ra gần đây Sake đã nhường chổ cho Sochu. Soshu là thứ rượu nấu từ các loại khoai, trái cây….bất kể thứ gì, trong khi đó sake nấu từ luá và phải chưng cất. Nồng độ rượu Sake từ 10 đến 15 độ, trong khi Sochu nặng hơn, có thể từ 20 đến 40 độ. Ở đâu trên xứ Nhật thì bạn kêu Sake, người ta đem Sake. Nhưng ở Kagoshima thì không như vậy. Kêu Sake người ta dọn bạn Sochu. Bạn có thể chọn hàng chục loại Sochu để thử….uống chừng một xị rượu coi như quất cần câu rồi.

Kagoshima nổi tiếng về khoai lang. Một củ khoai chừng nửa lòng bàn tay bán giá $1 dollars, khoai lang làm bánh, khoai lang làm thành chip, khoai lang làm bia, khoai lang làm rượu…..đi đâu cũng thấy khoai lang. Buổi sáng ăn điểm tâm họ cũng để khoai lang cho bạn ăn. Tổi thử rồi, thấy cũng giống khoai lang quê mình….nhiều khi còn thua cái vị ngọt và bùi của khoai mình, chỉ có khác là hình như tôi chưa thấy khoai lang tím ở Việt Nam.



Ở Kagoshima - Nhật họ có món ăn rất lạ, lần đầu dọn ra thấy hết hồn. Cá phơi khô, xắt ra mõng còn hơn tờ giấy quyến. Khi nấu soup hoặc bất cứ món gì có nước, họ rải vài nhúm cá khô này lên. Cá cắt mõng, thấm nước từ từ nên chuyển động làm bạn tưởng như con gì còn sống đang nhúc nhích trong tô….thấy hết hồn luôn. Sau này biết rồi nên ăn tỉnh bơ. Họ ăn nhiều món mà mình cũng thấy là lạ. Thí du như trứng gà sống, bỏ vô chén đánh cho đều, chế vô vài giọt nước tương rồi đổ lên chén cơm nóng, quậy xệch xệch rồi cứ thế mà và vô miệng….Tôi chịu thua, chẳng thà ăn Sushi chứ ăn trứng sống kiểu này thì không có tôi.

Ở nhà nhiều khi mình ăn mì, ăn bún mà húp kêu soạt soạt là vợ nhắc, con kêu. Ở Nhật, ăn mì mà không kêu cái rọt dòn tai thì không phải dân Nhật. Trai cũng như gái, họ để nguyên cộng mì, đưa vô miệng rồi cứ thế mà hút cho đến hết….không cắt ngắn hoặc và vô miệng nhè nhẹ như kiểu ăn của người mình. Vô tiệm Nhât ăn mì cứ nghe như tiếng nhạc…chổ này hút một cái xoạc, chổ kia kêu cái xoạc vừa lạ lùng mà cũng vừa buồn cười.