Việt Nam đang có những thay đổi quan trọng. Đảng CSVN chuẩn bị Đại Hội 11 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái, và mâu thuẫn an ninh vùng tại Biển Đông đã đẩy vai trò của Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam đến chỗ đối đầu. Công cuộc vận động cho Dân chủ Việt Nam cũng bị tác động trực tiếp từ những biến động trên. Vì vậy, một số chiến lược đấu tranh “Vận động Dân chủ cho Việt Nam” cần khai dụng cho phù hợp với tình thế mới.
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối tác kinh tế quan trọng nhất đối với Việt Nam. Trong khi Trung Quốc giữ vị trí số 1 về mặt giao dịch thì Hoa Kỳ hiện là quốc gia có nhiều công ty đầu tư nhất tại Việt Nam. Năm 2009, Viêt Nam đã xuất khẩu sang Hoa kỳ 20% tổng sản lượng gồm các mặt hàng tiêu dùng, hải sản, nông nghiệp v.v.. Việt Nam đang đứng trước thử thách vì nền kinh tế dựa hẳn vào xuất khẩu, với các mặt hàng xuất khẩu chiếm 80% GDP của cả nước. Trong khi đó, mậu dịch với Trung Quốc lại mất quân bình, nhập khẩu hơn 11 tỷ dollạrs trong năm 2009. Điều đáng lưu tâm là 30% mặt hàng có liên hệ về dầu hoả đã được Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia Âu Châu và Á Châu. Về lâu dài, nếu VN mất chỗ dựa dầu hỏa, kinh tế VN sẽ bị tác động mạnh. Sự kiện VN bị mất đi hàng tỷ dollars đối với hai hãng dầu như BP và Exxon trước áp lực của Trung Quốc cho thấy trong tương lai, nếu Việt Nam không có chiến lược bảo vệ vùng biển, kinh tế Việt Nam sẽ đi vào chỗ lụn bại.
Việt Nam bị chi phối bởi 3 cơ phận kinh tế gồm 50% công ty quốc doanh, 30% công ty ngoại quốc, 20% gồm các công ty tư nhân. Hiện nay, công ty quốc doanh liên tục làm ăn thua lỗ vì cơ chế đã thất bại. Gần đây công ty đóng tàu Vinashin kinh doanh, đầu tư và lỗ hơn 4 tỷ đollars đã minh chứng vai trò kinh tế quốc doanh trong chế độ CS là hão huyền. Với lợi tức bình quân gần $3000 dollars hàng năm, Việt Nam thuộc hạng quốc gia nghèo, chậm tiến so với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philipine. Hà nội đang cố gắng vận động Hoa Kỳ chấp thuận được hưởng qui chế Generalized System of Preferences (GSP), một qui chế trong đó một số hàng Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ sẽ không bị đánh thuế nhập cảng. Tuy nhiên để đươc Hoa kỳ đồng ý qui chế này, Hà nội cần tuân thủ một số nguyên tắc về minh bạch và dân chủ, trong đó việc tôn trọng các Công Đoàn Lao Động độc lập phải được công nhận. Điều này khó thực hiện, vì hiện nay, các tổ chức Công đoàn đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng. Những tổ chức độc lập, hoạt động Công Đoàn như Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, Công Đoàn Độc Lập, Phong Trào Lao Động Việt v.v.. đều bị Hà Nội trấn áp vì sợ ảnh hưởng của họ đối với giới công nhân.
Áp lực Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Việt
Trước áp lực của Trung Quốc, nhất là tham vọng bành trướng trên biển Đông, Hà nội đã có những động thái đi dây. Gần đây, Hà Nội ra mặt nghiêng về phiá Mỹ, dùng ảnh hưởng Mỹ để cân bằng áp lực của Trung Quốc. Dù sợ Trung Quốc nhưng Hà Nội vẫn dè dặt trong quan hệ chiến lược với Mỹ vì e ngại ảnh hưởng của làn sóng dân chủ. Những áp lực về Nhân quyền, vận động Dân chủ là những trở ngại trong quan hệ Mỹ Việt. Qua các ngõ ngoại giao, Hà Nội luôn bày tỏ mối lo âu trước sức mạnh của Trung Quốc. Các viên chức Bộ ngoại giao Hà Nội luôn đặt vấn đề với Hoa Kỳ về thái độ của Mỹ trước viễn ảnh nếu Trung quốc đánh Việt Nam thì Hoa Kỳ đứng ở đâu?
Từ nhiều năm gần đây, Việt Nam đã gia tăng mua vũ khí để tự vệ. Sách trắng quốc phòng cho biết năm 2009 Việt Nam chi 2% ngân sách quốc gia cho quốc phòng, tương đương 2 tỷ dollars. Tuy nhiên con số này không đáng tin cậy, với những chi tiêu liên tục cho tàu ngầm, máy bay chiến đấu tối tân của Nga, vũ khí phòng thủ của Ấn Độ v.v.., chi phí quốc phòng của Việt Nam cao hơn con số 2 tỷ. Dù vậy, so với số tiền, ước lượng từ 100 tỷ đến 150 tỷ dollars dành cho ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, quân đội Việt Nam không đủ sức cầm cự nếu có xung đột. Nhận rõ điều này nên VN luôn tìm cách kéo Mỹ vào biển Đông để dựa lưng. Việt Nam cần Mỹ hơn Mỹ cần Việt Nam. Vấn đề đặt ra là bao lâu Việt Nam có thể đi dây trong bối cảnh hiện nay, trước áp lực của Trung quốc.
Thực tế biến động ở biển Đông đẩy Hà nội vào vị trí phải thử nghiệm chiến lược từ “chống Mỹ cứu nước” sang “chống Tàu giữ nước”. Tuy nhiên, bối cảnh từ chống Mỹ sang chống Tàu đã thay đổi, vì chế độ độc đảng CSVN hiện nay đã không che đậy được bản chất tay sai, tham nhũng, bất lực và hèn kém. Vì vậy, việc huy động được sức mạnh toàn dân để chống Tàu giữ nước là một thử thách đối với đảng CSVN. Điều này, cũng là một thử thách đối với lực lượng dân chủ trước viễn ảnh Hà nội đang đến gần với Hoa Kỳ để vừa chống Tàu, vừa giữ cho chế độ độc đảng được tồn tại.
Năm 2009, sau cuộc gặp ở Hoa Thịnh Đốn giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ truởng Quốc phòng Mỹ, đường dây nóng liên lạc trực tiếp đã được thiết lập để nhanh chóng giải quyết những vấn đề liên hệ quốc phòng. Cũng sau chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 6 năm 2008, Việt Nam đã đẩy một số tướng lãnh thân Trung quốc ra khỏi quân đội. Một mặt Việt Nam giảm ảnh hưởng giới quân sự thân Trung Quốc, mặt khác gia tăng ngân sách quốc phòng hơn 70% từ năm 2005 đến nay. Trước năm 2005, Quan chức Bộ quốc phòng Việt Nam đã không đồng ý ký thoả ước huấn luyện cho sỹ quan Việt Nam vì sợ Trung Quốc phản đối (IMET Agreement - International Military Education and Training). Tuy nhiên sau đó họ đã thay đổi quan điểm trước tham vọng của Trung Quốc. Số tiền dành cho chi phí này đã tăng từ $300 ngàn năm 2010 đến hơn $500 ngàn cho năm 2011. Trên thực tế, số tiền này chỉ là biểu tượng, quan trọng của thoả ước là về mặt tác động và chuẩn bị tâm lý của giới lãnh đạo quân sự Hà Nội nhằm gây ảnh hưởng thân Mỹ. Từ năm 2008, Bộ quốc phòng Mỹ đã huấn luyện chuyên viên Việt Nam về phương cách bảo quản an toàn năng lượng nguyên tử. Việt Nam bày tỏ ý định nhờ Mỹ xây dựng các nhà máy nguyên tử để thay thế năng lượng cũ, không theo kịp sự phát triển của kinh tế. Việt Nam đã thay thế các cơ phận lò nguyên tử lỗi thời của Nga và đang có khuynh hướng dùng năng lương nguyên tử như một bức màn chắn để mặc cả cho bàn cờ chính trị và quân sự ở Đông Nam Á.
Hơn ai hết, Bộ chính trị CSVN hiểu rõ Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam. Các động thái chuẩn bị về mặt quân sự, ngoại giao và chính trị của Việt Nam từ 2005 đến nay đã tiết lộ những chỉ dấu cụ thể. Việt Nam mong muốn Mỹ trở lại Đông Nam Á, có mặt tại Việt Nam thay vì đứng ngoài. Việt Nam đã từng tỏ ý nhờ Mỹ huấn luyện, viện trợ quân sự và kinh tế trong viễn ảnh chiến tranh Việt – Trung. Các tuyên bố 3 không “Việt nam sẽ không bao giờ tham gia một liên minh quân sự nào; Việt nam sẽ không là đồng minh quân sự của bất cứ nước nào; Việt nam sẽ không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt nam, không dựa vào nước này để chống nước kia” của Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh chỉ là đòn thăm dò và hoả mù của Chính trị bộ để trấn an dư luận từ Trung Quốc. Khuynh hướng ngả theo Hoa Kỳ của CSVN gần đây giống như lúc Việt Nam từng chạy theo Moscow. Trước khi Tổng bí thư Lê Duẩn quyết định bay sang Moscow để ký Hiệp ước song phương quân sự Việt – Sô năm 1978, hàng loạt các Ủy viên Trung ương đảng CSVN thân Trung Quốc đã bị thanh trừng. Ông Hoàng Văn Hoan, Ủy viên Chính trị bộ đã chạy sang Bắc Kinh xin tỵ nạn chính trị. Tuy nhiên Hiệp ước Việt-Nga không cầm chân nổi quân Tàu tiến vào Lạng sơn năm 1979 để Đặng Tiểu Bình dạy cho Chính trị bộ đảng CSVN một bài học đẫm máu.
Hơn 30 năm sau, quan hệ sóng gió Việt – Trung đang lập lại, lần này chưa có tỵ nạn chính trị nhưng có vai trò con thoi. Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, không phải là Ủy viên Chính trị bộ, lại không có chân trong Ban Chấp HànhTrung ương Đảng, không có tư cách nằm trong Đảng ủy Quân sự Trung ương thì làm thế nào có thể tuyên bố qua mặt cả Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng nếu không có sự chấp thuận ngầm của Chính trị bộ? Trong lịch sử của cơ chế độc đảng CSVN, những động thái vượt rào, đi ngược chính sách trung ương có thể xảy ra đối với các lãnh vực kinh tế, nội bộ, điạ phương nhưng không thể xảy ra trong quan hệ chính trị có tầm vóc quốc gia.
Ông Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố cũng giống như tờ báo Thanh Niên viết, không phải tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN. Vấn đề đặt ra là nếu không có sự cho phép của Bộ Thông Tin, tổng biên tập Thanh Niên cho vàng cũng không dám viết ngược chính sách. Có thể nói, đảng CSVN cần tiếng nói bán chinh thức của Chính trị bộ trong mối liên hệ phức tạp Việt- Trung để vừa đu dây, vừa mua thời gian nhằm chuẩn bị lực lượng và cân bằng quyền lực Mỹ-Trung-Việt.
Lực lượng Dân Chủ và những thử thách
Chúng ta sẽ làm gì để có thể cùng toàn dân bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc, nhưng vẫn đấu tranh hiệu quả để dành lại được Tự do và Dân chủ cho Việt Nam? Chúng ta phải làm gì để giữ chủ nghĩa dân tộc, giương ngọn cờ yêu nước để đảng CSVN không thể lợi dụng lòng yêu nước cho tham vọng tiếp tục giữ vững chế độ độc tài đảng trị của họ? Chúng ta phải chuẩn bị lực lượng và vận động dân chủ ở trong và ngoài nước thế nào để có thể làm hỏng chiến lược “chống Tàu” không phải “giữ nước” nhưng để “giữ đảng CSVN” được tồn tại.
Đây là những thử thách mà các lực lượng dân chủ trong và ngoài nước cần chuẩn bị sách lược, nhằm đối đầu, khai dụng các biến động và quan hệ giữa Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ để đẩy mạnh các vận động dân chủ có lợi cho tương lai Việt Nam.
Hà Nội vẫn liên tục gia tăng đàn áp các lực lượng dân chủ. Mối lo sợ của Hà Nội là sự hình thành công khai các lực lượng, tổ chức, đảng phái và mặt trận nhằm thách thức vai trò lãnh đạo chính trị của đảng CSVN. Từ năm 2006 đến nay, đã có nhiều anh chị em dân chủ bị tuyên án hơn 178 năm tù vì những hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam. Cho dù có khác biệt về quan điểm đối nội, đối ngoại, ngoại giao, quân sự v.v… nhưng CSVN đồng quan điểm trong việc trấn áp các lực lượng dân chủ, bảo vệ cơ chế độc tài đảng trị. Theo giới quan sát quốc tế, Hà Nội đã chi ra hàng tỷ dollars để trang bị và trả lương cho hơn 6 triệu nhân viên công an ngầm và công khai đang ngày đêm làm nhiệm vụ theo dõi, kiềm soát, đàn áp nhân dân Việt Nam nhằm bảo vệ chế độ công an trị.
Nhân quyền là yếu điểm của chế độ độc tài, toàn trị. Nhân quyền bao gồm cả quyền về chính trị, trong đó quyền bầu cử, ứng cử và thành lập đảng đối lập. Trong khi nhân quyền là mũi nhọn để lực lượng dân chủ làm bàn đạp tấn công chế độ toàn trị trên mặt trận chính trị thì việc khai dụng chủ nghĩa dân tộc và ngọn cờ “yêu nước” nhằm đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ là những chủ điểm mà lực lượng dân chủ cần công khai nắm lấy để lôi kéo và tập hợp nhân dân đứng về phiá mình, cùng bẽ gãy tư thế chính thống của chế độ độc tài đảng trị.
Tại Hải ngoại, phối hợp đấu tranh về Nhân quyền và Ngoại vận, bao gồm vận động chính giới đế áp lực ngoại giao và kêu gọi CĐNVHN yểm trợ tài chánh cho công cuộc đấu tranh dân chủ tại quốc nội là những áp lực hiệu quả và có ảnh hưởng rất tích cực trong công cuộc vận động Dân chủ hoá Việt Nam. Đấu tranh cho Nhân quyền không riêng gì chúng ta mà ngay cả các quốc gia tự do dân chủ cũng tham gia, tiếp tay trong mặt trận này. Tại Hội nghị Cấp cao về Dân chủ ở Ba Lan, tháng 8/2010, có sự hiện diện của Ngoại trưởng Bộ ngoại giao Canada, Lawrence Cannon, đại diện Bộ Ngoại giao Canada đã tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Cũng tại đây, bà ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, đã nêu đích danh Trung Quốc đi đầu trong việc lợi dụng nền dân chủ “giả hiệu” để đàn áp các Tổ chức Nhân sự.
Sự kiện Hà Nội dựa hẳn vào Mỹ để cân bằng lực lượng đối đầu với Trung Quốc không phải là sách lược có chiều sâu. Tuy nhiên vì quyền lợi của độc đảng, Hà Nội đã không có sự chọn lựa nào khác. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Hoa Kỳ chỉ hỗ trợ đồng minh khi phù hợp với chính sách đối ngoại và quyền lợi của nước Mỹ. Vị trí của Việt Nam về nhiều mặt và lâu dài không thể so với Trung Quốc. Do đó, một chiến lược quân sự dựa hẳn vào Mỹ để “chống Tàu giữ nước” không đủ sức cứu Việt Nam thoát khỏi áp lực về chủ quyền, quân sự, chính trị, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc. Với ngân sách quốc phòng thiếu thốn, tổng sản lượng quốc gia $ 92.44 tỷ dollars so với Trung Quốc $ 4.90 ngàn tỷ dollars, với nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu, mất hẳn chỗ dựa viện trợ từ các đồng minh “CS”, với một chánh quyền độc tài bị nhân dân trong và ngoài nước khinh bỉ và tẩy chay. Việt Nam không đủ sức cầm cự trước viễn cảnh kinh tế bị bao vây và kinh phí quốc phòng bị chảy máu vì “chạy đua” vũ trang, chưa nói đến lúc chiến tranh Trung – Việt thực sự xảy ra.
Cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước từ Bắc chí Nam, từ trong ra đến ngoài nước, từ trong đảng CSVN ra đến ngoài đảng. Lo ngại ảnh hưởng lan rộng và sợ bị lực lượng dân chủ lôi kéo, Hà Nội đã trở tay đàn áp, không cho nhân dân bày tỏ lòng yêu nước. Mặc dù trước đó, chính Hà Nội đã cho phép ngầm hai cuộc biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn cuối năm 2007 khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên đảo Tam Sa.
Thử thách của lực lượng dân chủ trong và ngoài nước là phải chuẩn bị cho vai trò trong bối cảnh sắp tới. Làm thế nào để vận động dân chủ một cách hiệu quả, nhằm đấu tranh và áp lực Hà Nội phải chấp nhận đối lập chính trị để giải quyết vấn nạn Việt Nam trước nguy cơ bị ngoại xâm. Làm thế nào để có thể giành lấy ngọn cờ yêu nước, chuẩn bị tư thế chính trị và khôn khéo khai dụng mối quan hệ Việt-Mỹ, vừa xây dựng lực lượng dân chủ hoạt động hữu hiệu nhằm đấu tranh cho mục tiêu công khai lực chính trị, vừa đặt Hà Nội vào tư thế đối đầu.
Thử thách của lực lượng dân chủ là làm thế nào có thể khai dụng lòng yêu nước để làm điểm tựa cho cuộc đấu tranh chống độc tài, dành dân chủ. Cần phải làm rõ vai trò thiết yếu của lực lượng dân chủ trong bối cảnh giải quyết quan hệ Việt- Mỹ-Trung, vừa đánh đổ tính chính thống, “ngụy” đại diện cho dân tộc Việt Nam của đảng CSVN, vừa khẳng định vai trò của lực lượng dân chủ trong bàn cờ chính trị Việt Nam.
Đỗ Thành Công
No comments:
Post a Comment