Tuesday, January 22, 2013

Nga Mỹ Đối Tác Xuất Cảng Vũ Khí Quân Sự Cho Hà Nội


Tàu ngầm Kilo

Sau cuộc sụp đổ của hệ thống Liên Bang Sô Viết. Nga Sô đã đối diện với hàng loạt các khủng hoảng về kinh tế, xã hội, chính trị...Từ một cường quốc, giữ vai trò đối trọng với Hoa Kỳ trên nhiều lãnh vực, nhất là mặt quân sự. Nga bị lép vế khi bàn cờ chiến lược thế giới đã thay đổi. Sức mạnh của chính sách xuất cảng cách mạng đỏ nhường bước cho đồng đô la xanh. Hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa trở thành chướng ngại vật đối với Nga trong tiến trình tư bản hoá. Hậu quả là Nga Sô càng lúc càng kiệt quệ, kinh tế suy sụp và xuống cấp một cách thê thảm, phải mượn nợ từ Ngân Hàng Thế Giới và các quốc gia phương Tây.

Từ vị trí chủ nhân ông, trở thành con nợ đã đẩy uy tín và danh vọng nước Nga trượt dần xuống hố. Điều này không những làm cho dân chúng thất vọng và bất mãn, mà riêng đối với các nhà lãnh đạo Nga, càng thấy có nhu cầu cần đề ra những giải pháp chính trị cấp bách.

Xuất Cảng Vũ Khí hay Xuất Cảng Cách Mạng?

Từ năm 2000, Nga đã chính thức cho biết sẽ xuất cảng vũ khí để có tiền theo đuổi các chính sách kinh tế. Phó Thủ Tướng, đặc trách về kỷ nghệ quốc phòng Nga Ilya Klebanov tuyên bố năm 2000 Nga sẽ xuất khẩu một số lượng vũ khí trị giá từ 4 đến 4.3 tỷ dollars. Ông cũng nói là Nga Sô sẽ thay đổi vị trí và chính sách đối với thị trường buôn bán vũ khí thế giới. Lần này, thay vì xuất cảng những thứ vụn vặt, không có độ cao về mặt kỷ thuật. Nga sẽ bán những vũ khí tối tân và đắt giá như máy bay chiến đấu cơ MIG, xe tăng T-90 v.v…. Và Nga sẽ bán luôn cả cho những quốc gia đang bị cô lập, bị coi có khuynh hướng yễm trợ khủng bố như Iraq, Libya.

Trong những năm 2000, Nga chiếm lĩnh một số lượng lớn trên thị trường buôn bán vũ khí quốc tế. Hơn 50% tổng số vũ khí Nga đã xuất cảng sang Trung cộng và Ấn Độ, 32% bán cho các quốc gia như Việt Nam, Iran, Hy Lap, Liên bang Á Rập và Algeria. Năm 1997, Nga bán được tổng số 2.5 tỷ dollars, đã sử dụng số tiền này để trả nợ cho Nam Hàn, Phần Lan, Hung gia Lợi và một số quốc gia khác. Bên cạnh mục đích kiếm tiền qua các mặt hàng vũ khí, Nga đang biểu lộ ý định sử dụng các hàng này làm lợi khí cho chính sách ngoại giao. Một mặt giữ mối liên hệ thương mại chặt chẽ với Trung Cộng, Ần Độ, mặt khác tạo thêm ảnh hưởng chính trị và uy tín với các quốc gia như Iran, Iraq, Lybia, Việt Nam.Tuy nhiên đó chỉ là những bước dọ dẫm ban đầu. Một số chính sách ngoại giao tại điện Cẩm Linh gần đây cho thấy các nhà lãnh đạo Nga đang muốn vực con gấu Nga đứng dậy. Nga đã ký với Bình Nhưỡng Hiệp Ước Hữu Nghị, qua đó Nga kỳ vọng Bắc Hàn sẽ giữ vị trí chiến lược làm cân bằng ảnh hưởng của Nga. Dĩ nhiên, Nga cũng không quên Hà Nội, quốc gia mà Nga đã từng ký kết Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác hồi tháng 11 năm 1978. Lúc đó mối quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Trung Cộng đang bị căng thẳng, vì lo sợ Bắc Kinh sẽ mở cuộc xâm lấn từ phía Bắc nên Lê Duẩn, Tổng bí thư đảng CSVN đã vội vã liên minh với Liên Bang Sô Viết qua hiệp ước trên.


Chiến đấu cơ Su-30MK2

Từ lâu, Hà Nội biểu tỏ ý định muốn mua thêm các thiết bị vũ khí để tân trang quân đội. Hà Nội đã từng mua chiến đấu cơ Sukhoi-30 của Nga. Hiện nay, Việt Nam vừa là cựu đồng minh, vừa là bè bạn trong quan hệ thương mại. Nga đang từng bước thực hiện các sách lược ngoại giao mới để níu kéo các mối liên hệ và ảnh hưởng đối với các cựu đồng minh nhằm cân bằng quyền lực chính trị.
Liên Minh Với Trung Cộng

Quan hệ với Trung Cộng, Nga sử dụng chính sách đối ngoại khác. Theo dự đoán từ giới phân tích, từ năm 1992 đến 2006, Nga đã từng chuyển vũ khí trị giá 26 tỉ USD cho Bắc Kinh. Moscow đã bán cả trăm chiếc chiến đấu cơ Sukhoi Su-30 cho Trung Cộng. Sukhoi Su-30 là một trong những chiến đấu cơ tối tân và quan trọng của Nga. Khi đồng ý bán trên, chưa kể cho phép Trung cộng được quyền tự sản xuất thêm hàng trăm chiếc Su-30 nữa, Nga đã mặc nhiên coi Trung Cộng là đồng minh chiến lược trong thế liên minh đối đầu với Hoa Kỳ. Trung cộng cũng xác nhận sẽ tiếp tục mua thêm các vũ khí hạng nặng của Nga như tàu ngầm, tàu chiến và hỏa tiển điều khiển tầm xa, đồng thời dự định sẽ chi tiêu nhiều tỷ dollars cho các cuộc tập trận quân sự chung và nhiều dự án nghiên cứu quân sự khác trong tương lai.

Với tổng số nợ hàng trăm tỷ dollars, trung bình trả từ 12 đến 15 tỷ hàng năm cho Ngân Hàng Thế Giới và các quốc gia phương Tây. Nga đang bị kiệt quệ về kinh tế và khó có khả năng hoàn trả số nợ lớn trước viễn ảnh kinh tế tuột dốc. Món hàng vũ khí xuất cảng chỉ có thể giúp con nợ Nga cầm cự nữa chừng, không phải là phương án kinh tế chiến lược lâu dài. Chưa kể vũ khí Nga không phải là đối thủ của Hoa Kỳ khi phải cạnh tranh khốc liệt trên thương trường.

Những chuyển dịch của chính sách đối ngoại tại điện Cẩm Linh cho thấy Nga đang đi những bước phiêu lưu. Đó là chủ trương vừa xuất cảng vũ khí để giải quyết cấp thời tình trạng kinh tế đang bị trì trệ, vừa xuất cảng chính sách ngoại giao mới để khôi phục lại vị thế và củng cố uy tín của Nga. Trường hợp các quốc gia nhỏ như Bắc Hàn, Việt Nam, Iran, Iraq, các nước thuộc Liên Bang Á Rập v.v..., Nga đã gia tăng tầm ảnh hưởng qua các hàng vũ khí chiến lược hạng nặng, một mặt đáp ứng nhu cầu kinh tế, mặt khác tạo được thế đối đầu, răn đe với các quốc gia phương Tây nếu có xung đột quân sự hoặc bất ổn trong vùng xảy ra.
Riêng Trung Cộng và Ần Độ, hơn 50% tổng số vũ khí đã giao dịch trong thời gian qua, cộng thêm các nổ lực phối hợp có tính liên minh quân sự nhằm chia vùng ảnh hưởng với Trung Cộng. Nga đã thực sự đang tiến hành đường hướng ngoại giao nguy hiểm, có thể lại làm đảo lộn trật tự thế giới.

Xung Đột Biển Đông - Mỏ Vàng Để Bán Vũ Khí

Trong năm 2010, Việt Nam đã đồng ý mua của Nga thêm 12 chiếc phản lực Su-30MK2 với tổng giá tiền hơn 500 triệu dollars, đồng thời lại chi thêm khoảng 1.8 tỷ dollars nữa để mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo, nhằm tân trang cho hải quân Việt Nam. Phản lực Su-30MK2 là loại chiến đấu, hai động cơ tối tân của Nga, do hảng Sukhoi chế tạo (Sukhoi Aviation Corporation). Có hai chổ ngồi, dùng cho không chiến và địa không chiến trong tất cả mọi tình huống, tốc độ tối đa 2,150km/hr và là đối thủ ngang hoặc trên chân F-15E Strike Eagle của Mỹ.

Riêng Kilo, là loại tàu ngầm tối tân, chạy êm nhất để tránh bị phát hiện. Kilo dùng để hoạt động trong lãnh vực tuần tra, do thám, ứng dụng như một loại vũ khí chống tàu ngầm và tàu chiến khi cần. Với trọng tải 2.300 tấn, lặn sâu tới 350 mét, thủy thủ đoàn gồm 57 người. Kilo mang theo 6 thủy lôi đối không và đối tàu ngầm (surface warface and anti-submarine warfare), loại bán kính 21 inches. Nếu không mang thủy lôi, Kilo có thể trang bị 24 trái mìn hay các loại hoả tiển tầm xa khác chống tàu ngầm và tàu chiến. Kilo dùng năng lượng điện khi chạy dưới nước và dùng dầu diesel khi nổi lên mặt nước. Dù rất hiệu quả trong hải chiến, bất cứ tàu ngầm nào cũng có thể bị hủy diệt rất dễ khi bị đối phương phát hiện trước.

Như vậy với 6 chiếc Kilo trong năm 2010, Việt Nam hy vọng có thể đối đầu lại 12 chiếc Kilo Trung Quốc đã mua từ Nga, chưa kể số lượng tàu ngầm do Trung quốc tự chế tạo gần đây.

Việt Nam là khách hàng quan trọng trong đối tác mua bán vũ khí với Nga sau Ấn Độ và Trung Quốc. Trong năm 2008, Nga đã bán được gần 9 tỷ mỹ kim về vũ khí quốc phòng cho nhiều nước. Trên thực tế, trong điều kiện hiện nay, để tân trang quân đội, Việt Nam chỉ có thề mua vũ khí từ Nga làm đối trọng với Trung Quốc. Gần đây, Việt Nam bắt đầu chú ý đến vũ khí từ Ấn Độ, tuy nhiên dù sau thì Việt – Nga, từ những năm còn là đồng minh của quan hệ nước chủ nghĩa xã hội, vẫn tạo ra cảm giác dễ chiụ và thuận lợi, nhất là hàng tướng lãnh quân đội cao và trung cấp Việt Nam đã từng được Nga đào tạo. Mặc cho mối căng thẳng ở biển đông thế nào thì Nga vẫn có lợi nhất, vì vừa bán được vũ khí cho Việt Nam, vừa bán được cho Trung Quốc, Ấn và ngay cả Indonesia nữa.

Vũ Khí Của Mỹ?

Việt Nam rất muốn mua vũ khí hạng nặng của Mỹ nhưng với cơ chế độc tài đảng trị, chính phủ Hoa Kỳ rất khó thuyết phục giới Lập pháp Hoa kỳ thuận thảo cho những bước phiêu lưu quân sự. Tháng 4 năm 2007, qui định về giao dịch vũ khí được thông qua, cho phép Hoa Kỳ trao đổi và buôn bán với Việt Nam một số hàng quân sự ít tàn phá (nonlethal defense items) và sẽ được hai bên tái xét theo từng giai đoạn, từng trường hợp. Tháng 5 năm 2007, khi Tướng Tư lệnh Hải quân vùng Thái Bình Dương Dan Leaf viếng thăm Hà nội. Hoa Kỳ và Việt Nam đã thảo luận một số chi tiết về phương án huấn luyện quân sự cho quân đội Việt Nam. Trong cuộc gặp này, Việt Nam cũng đề nghị được mua lại các đồ phụ tùng quân sự của Mỹ, thay thế các vũ khí bị hư hỏng từ thời 1975, nhất là trang thiết bị cho máy bay trực thăng Huey của Mỹ. Mới đây, tháng 7 năm 2009, thông cáo của sứ quán Hoa kỳ cho biết không quân Việt Nam và Hoa Kỳ đang có những tiếp xúc nhằm tiến tới việc hợp tác trong tương lai.

Bản tường trình hồi tháng 2 năm 2009 của Bộ ngoại giao Mỹ trước các dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ cho biết “ từ năm 2005 hai nước đã ký kết thoả ước IMET (International Military Educatoin Training). Thoả ước này đã từng bị giới lãnh đạo quân sự Việt Nam (thân Trung Quốc?) tìm mọi cách ngăn chận. (vì sợ ảnh hưởng?). Đây là thoả ước huấn luyện về quân sự, trao đổi, phối hợp một số hoạt đông và giáo dục cho quân đội Việt Nam”.

Tài khoản viện trợ cho IMET của Mỹ năm 2007 đã lên hơn 200 ngàn mỹ kim và dự trù gia tăng cho những năm kế tiếp. Dù rất thèm khát các món hàng quân sự tối tân của Mỹ để tân trang cho quân đội. Việt Nam bị lúng túng trong quan hệ vì những vi phạm nhân quyền mà Hà Nội đã đặt chính phủ Hoa Kỳ vào vị trí khó xử, khó thuyết phục được dư luận Mỹ ủng hộ quan hệ quân sự mật thiết giữa hai nước. Nhận định chung của Lập pháp và ngay cả Hành pháp Hoa Kỳ là Việt Nam đang theo đuổi một chính sách hai mang. Trong đó, Hà nội cho phép một số cá nhân bất đồng chính kiến và tôn giáo được hoạt động hạn chế, nhưng ngược lại họ sẳn sàng thẳng tay đàn áp đối với một số đối tượng khác, nếu thấy nền cai trị độc đảng bị đe doạ. Chính giới ngoại vận Hoa Kỳ cũng xác nhận, những cuộc trấn áp kể từ sau 2007 thường được Hà Nội tiến hành rất nhanh, thô bạo và bất kể hậu quả về ngoại giao.

CSVN gần đây đột nhiên ra tay đàn áp các nhà bất đồng chính kiến một cách công khai, bất chấp những hậu quả xấu cho quan hệ ngoại giao. Điều này cho thấy, có chỉ dấu của những âm mưu thầm kín nhằm hạn chế “khả năng tiếp cận và quan hệ tốt giữa hai nước”, nhất là trong lãnh vực tìm kiếm đồng minh về đối tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Đỗ Thành Công

No comments:

Post a Comment