Thỉnh Nguyện Thư đòi hỏi Chính quyền Obama cần vận dụng yếu tố nhân quyền trong chính sách thương mại, áp lực Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền, thả các tù nhân chính trị, cụ thể là Linh mục Nguyễn Văn Lý, Ts. Cù Huy Hà Vũ, Việt Khang và nhiều người khác. Với sự vận động hữu hiệu của hệ thống truyền thông SBTN, qua anh Trúc Hồ và sự tiếp tay hỗ trợ của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, thuộc Boat People SOS, kết quả là gần 150 ngàn người Việt tại Hoa Kỳ đã ký tên trong Thỉnh Nguyện Thư. Đây là một cú “bỏ phiếu” lịch sử chưa từng có trong quá trình đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền tại Hải ngoại.
Hai ngày tham dự vận động nhân quyền với Cộng Đồng, tôi cảm nhận được tâm tư và nguyện vọng của hơn 1000 người Việt có mặt tại Hoa Thịnh Đốn và nổi thao thức, hồ hởi của gần 150 ngàn chử ký trên Thỉnh Nguyện Thư. Tôi nghĩ đây là thời điểm của lịch sử mà không phải lúc nào cũng có thể xảy ra, vì vậy có mặt cùng với các tấm lòng yêu thương đất nước, gặp gỡ nhiều người đã bỏ thời gian, tiền bạc, công việc v.v….để hội tụ tại Hoa Thịnh Đốn là một cơ duyên. Tôi cũng nghĩ, chắc khó có được một khoảng khắc như thế này lần thứ hai. Tôi đánh giá, đây là một cuộc vận động chính trị lịch sử tại hải ngoại, nó khẳng định một số yếu tố như sau:
- Sự lên tiếng đồng loạt chưa bao giờ xảy ra với gần 150 ngàn chữ ký trong một thời gian rất ngắn, để bày tỏ quan tâm của người Mỹ gốc Việt, của Cộng Đồng Người Việt tại Hoa kỳ, trước tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam và yêu cầu Chính quyền Obama phải có thái độ cụ thể, đã đánh động được dư luận ở tầm vóc quốc tế.
- Vận dụng được sức mạnh của truyền thông, khai dụng yếu tố kỹ thuật toàn cầu từ trang nhà của Toà Bạch Ốc, cho mục tiêu đấu tranh và đã thể hiện được yếu tố Đoàn kết Cộng Đồng. Sự kiện này, vừa chứng tỏ sức mạnh của Cộng Đồng đối với chính giới Hoa Kỳ, vừa đánh tan được dư luận cho là thụ động, bảo hoà, an phận của Cộng Đồng Người Việt sau hơn 35 năm bỏ nước ra đi.
- Làm hỏng luận điệu tuyên truyền của Hà Nội đối với người dân trong nước khi rêu rao tập thể người Việt tại Mỹ nói riêng và Hải ngoại nói chung là khúc ruột nối dài của Đảng. Gần 150 ngàn chử ký của Thỉnh Nguyện Thư đã bẽ gãy luận điểu tuyên truyền cho rằng chỉ có một bộ phận nhỏ “phản động” tại hải ngoại, còn mang tâm lý thù hằn, chống phá nhà nước CHXHCNVN.
- Gây dựng lại niềm tin không những cho Cộng Đồng Người Việt tại Mỹ và Hải Ngoại mà còn thổi bùng thêm ngọn lửa đấu tranh, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho các Lực lượng Dân chủ và Nhân dân tại Việt Nam.
- Bản Thỉnh Nguyện Thư với kết quả ngoạn mục, được viết ngay trên trang nhà của Tòa Bạch Ốc, chính là bản cáo trạng, tố cáo bản chất độc tài, chà đạp nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội. Hình thức và nội dung này có giá trị và sức mạnh ngoại vận vô cùng hữu hiệu, hơn bất cứ cuộc điều trần nào về Nhân quyền.
Một số diễn tiến của sự việc
Khi số lượng chử ký đã lên đến hơn 50 ngàn, nhà cầm quyền Hà Nội đã bộc lộ tâm lý hoảng hốt. Thông tin ghi nhận, Bộ ngoại giao Hà Nội đã thăm dò phía Toà Đại sứ Mỹ tại Hà nội về Thỉnh Nguyện Thư và bày tỏ sự quan ngại của họ. Ngược lại, phía Lập pháp Hoa kỳ khi đuợc thông tin về cuộc vận động trên, đã tham gia tích cực trong tiến trình áp lực Hành Pháp, họ đã thúc đẩy Hành Pháp phải quan tâm đến đòi hỏi của Cộng Đồng. Các Dân biểu trụ cột của Cộng Đồng Nam và Bắc California, đã đồng loạt lên tiếng và hổ trợ chúng ta. Trong khi đó, phía Hành Pháp, Chính quyền Obama đã phải có thái độ đáp ứng. Theo qui định của Thỉnh Nguyện Thư trên trang nhà Toà Bạch Ốc, nếu đạt con số ký tên trong thời gian tối thiểu, nội dung Thỉnh Nguyên Thư sẽ được nhân viên Toà Bạch Ốc chú ý. Bước thứ hai là họ sẽ cử chuyên viên về lãnh vực chuyên môn để tham khảo, tìm hiểu nguyện vọng của Thỉnh Nguyện Thư, và sau cùng, bước thứ ba, sẽ có phúc đáp, trả lời trực tiếp của đại diện từ Toà Bạch Ốc.
Đó là tiến trình về Thỉnh Nguyện Thư, tiến trình này không có phần phải tiếp Cộng Đồng ngay tại Toà Bạch Ốc, hay trực tiếp lắng nghe Thỉnh Nguyện Thư của Cộng Đồng ở bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, chưa tới 3 tuấn lễ đã đạt con số hơn 130 ngàn chử ký, điều này có thể đã áp lực lên Văn phòng Tiếp cận Công chúng. Vì vậy, đã dẫn đến việc tổ chức cuộc tiếp đón đại diện Cộng Đồng tại Toà Bạch Ốc, hay đi xa hơn nữa là có “tin”, sẽ có Tổng Thống đến gặp phái đoàn trong ngày 5 tháng 3 v.v…..
Có thể nói, về mặt đấu tranh, mục tiêu Thỉnh Nguyện Thư đã đạt được thành quả to lớn. Chúng ta muốn nội dung Thỉnh Nguyên Thư phải đến tận tay Tổng Thống Hoa Kỳ, Barack Obama. Chúng ta cũng mong muốn Hoa Kỳ phải áp lực với Hà Nội trong quan hệ thương mại. Dĩ nhiên việc Hoa Kỳ sẽ có thái độ và hành xử thế nào với Hà Nội, còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng mục tiêu Thỉnh Nguyện Thư tố cáo Hà Nội đã và đang vi phạm nhân quyền, và gần nhất là đang giam giữ Việt Khang, chỉ vì anh cất lên tiếng ca bày tỏ lòng yêu nước, mục tiêu đó đã hoàn toàn đạt được kết quả mỹ mãn. Nếu không có một số lượng người ký tên đáng kể, vượt qua chỉ tiêu của trang nhà Toà Bạch Ốc, sẽ không có cuộc gặp mặt tại Toà Bạch Ốc, và cuộc vận động Quốc Hội của hơn 500 người từ hơn 45 tiểu bang trên toàn nước Mỹ. Đồng thời, nội dung của Thỉnh Nguyên Thư, cũng không đặt lên bàn của TT Hoa Kỳ để Barack Obama biết là Cộng Đồng Người Việt tại Mỹ muốn gì.
Trong quá khứ chúng ta đã tiến hành nhiều công tác ngoại vận. Các hình thức vận động qui mô như đăng Thỉnh Nguyên Thư trên báo Hoa Kỳ với phí tổn rất cao, hay ở tầm vóc nhỏ hơn như gửi thư thẳng tới Tòa Bạch Ốc v.v…Tất cả các hình thức đó đều có thể khẳng định là không đến tay TT Hoa Kỳ, ngoại trừ lần gặp mặt ông TT George W. Bush hồi năm 2007 với 4 đại diện của Đảng phái và Tổ chức Nhân quyền. Lần này, với thành quả vận động ngoại vận vô cùng ngoạn mục. Nội dung Thỉnh Nguyện Thư đã đến tay TT Hoa Kỳ, như vậy chiến dịch đã đạt mục tiêu.
Nếu cuộc họp ở Toà Bạch Ốc dĩễn ra suông sẻ theo dự tính, có lẽ đã không có vấn đề tranh luận và gây nhiều ngộ nhận. Qua kinh nghiệm ngoại vận, nếu chúng ta thụ động, không lên tiếng, không đấu tranh, không vận động và không đòi hỏi, thì làm sao Chính quyền biết chúng ta muốn gì? Đồng thời, cũng cần phải hiểu để tránh tâm lý thất vọng là hướng giải quyết như thế nào, còn tuỳ thuộc vào bối cảnh chính trị từ Lập Pháp lẫn Hành Pháp. Thông thường, các giới chức ngoại giao và chính trị chuyên nghiệp, đều trả lời nước đôi, hoặc họ không đủ thẩm quyền để hưá hẹn, hoặc chẳng dại gi hứa rồi không làm được thì hố to.
Cuộc họp ở Toà Bạch Ốc ngày 5 tháng 3 năm 2012 đã diễn ra trong khuôn khổ như vậy. Việc tổ chức gặp Cộng Đồng theo đánh giá của tôi là sáng kiến từ Văn phòng Tiếp Cận Cộng Đồng. Đây là văn phòng mới thành lập, nhân viên thiếu kinh nghiệm và không có sở trường về ngoại vận. Đối với đòi hỏi của Cộng Đồng Người Việt, yêu cầu Chính quyền Obama phải có hướng giải quyết để áp lực Hà Nội trên lãnh vực nhân quyền đã vượt ra khỏi phạm vi chuyên nghiệp của Văn phòng Tiếp Cận Cộng Đồng. Đó là lý do chúng ta thấy cuộc tổ chức sơ sót và vấp phải một số khuyết điểm. Quan trọng nhất, chương trình thảo luận đã bị thay đổi giờ chót, bị chi phối, làm đảo lộn mọi thứ và gây bất mãn từ nhiều người tham dự.
Tại sao lại thay đổi chương trình? Ai thắng, ai bại trong chíến dịch Thỉnh Nguyện Thư?
Thành phần tham dự chương trình tại Toà Bạch Ốc, cao cấp có ông Jon Carson, Giám đốc Văn Phòng Tiếp Cận Cộng Đồng. Ông Jon đã thay mặt TT Obama để chào mừng mọi người, cho biết TT Hoa Kỳ rất quan tâm về nhân quyền và tuyên bổ “cuộc vận động bằng Thỉnh Nguyện Thư của quý vị với con số 130 ngàn chữ ký là một hiện tượng”. Bỏ ra những xáo ngữ, thành phần tham dự trong chương trình và những thay đổi giờ chót, cho thấy sự lúng túng từ phiá Hành Pháp. Trong chương trình, lúc đầu không có Michael Posner, phụ tá Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách về Nhân Quyền, Dân chủ và Lao Động. Người đại diện do Bộ Ngoại Giao chỉ định tham dự hội thảo là Robert Bailey, chỉ là “Vietnam Human Rights Officer”, nhân viên về Nhân quyền Việt Nam. Ông Michael đến vào lúc chót, nâng tằm vóc cuộc họp tại Toà Bạch Ốc đúng ý nghĩa của Thỉnh Nguyện Thư. Dù vậy, nó cũng cho thấy, quyết định của Văn phòng Toà Bạch Ốc, không phải từ Văn phòng Tiếp Cận Cộng Đồng, khi đưa ông Michael Posner đến tham dự vào giờ chót là quyết định bị áp lực, không phải quyết định có chủ ý.
Michael Posner là chuyên viên dày dạn kinh nghiệm về lãnh vực nhân quyền, ông đã từng gặp một số thân nhân của các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam. Năm 2009 tại khách sạn New World Sài Gòn, Michael đã gặp mẹ của Nguyễn Bắc Truyển, em Bs. Lê Nguyên Sang, Luật sư Lê Công Định, Luật sư Đặng Dũng và nhiều người khác, để tìm hiểu về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Trước khi được đề cử làm phụ tá bà Ngoại trưởng Hillary Clinton, ông Michael là luật sư và đã từng sáng lập Tổ chức có tên là Nhân Quyền Trên Hết – “Human Rights First”. Vì vậy, nhờ vào kinh nghiêm hoạt động trong lãnh vực nhân quyền, Michael được để ý và cất nhắc, từ đó bước vào lãnh vực chính trị. Trong cuộc điều trần tại Quốc hội Hoa kỳ hồi tháng 5 năm 2011, ông Michael Posner, phát biểu về chính sách của Hoa Kỳ về Dân chủ như sau: “Chính quyền Obama tin tưởng rằng sự chuyển tiếp các nền dân chủ phải tự phát từ chính các quốc gia đó. Thử thách nằm ở chính nhân dân và những người lãnh đạo tại các khu vực này, nhằm tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, một tương lai mà các chính quyền phải có trách nhiệm trả lời trước những khát vọng của quần chúng và nhận trọng trách để bảo vệ nhân quyền, các giá trị tự do căn bản và lòng tự trọng của quần chúng, vì họ xứng đáng được đối xử như vậy. Nước Mỹ luôn đặt trọng tâm và kỳ vọng vào sự thành công của họ và chúng ta có thể giữ vai trò rất hệ trọng để ủng hộ họ. “
Mặc dù Văn phòng Tiếp Cận Cộng Đồng lo nhiệm vụ tổ chức cuộc gặp, nhưng chương trình và nội dung thì Toà Bạch Ốc quyết định, vì nó tế nhị và vượt ra khỏi phạm vi chuyên môn của Văn phòng Tiếp cận Cộng Đồng. Sự kiện Cộng Đồng Người Việt tại Hoa Kỳ đã vận động Thỉnh Nguyện Thư với gần 150 ngàn chữ ký trong thời gian kỷ lục, đã nói lên mối quan tâm sâu xa của Cộng Đồng. Sự kiện này, cũng chứng tỏ Hành Pháp, thời gian qua đã lơ là trong lãnh vực nhân quyền và đó là lý do để Hà Nội gia tăng cường độ vi phạm, liên tục đàn áp các nhà bất đống chính kiến, bắt giam vô tội vạ các anh chị em dân chủ với các bản án tùy tiện. Bản Thỉnh Nguyện Thư cũng cho thấy sự mềm mỏng của Chính quyền Obama trước thái độ “bất chấp dư luận” của Hà Nội. Điều này, vô hình chung, tạo điều kiện cho Hà Nội, được “đàng chân lân đàng đầu” leo thang đàn áp. Vì vậy, nên Cộng Đồng Người Việt mới phẫn nộ và nổ lực lên tiếng trong một mặt trận chung, dẫn đến kết quả bất ngờ với Thỉnh Nguyện Thư lịch sử.
Cuộc họp ở Toà Bạch Ốc để lên án Hà Nội vi phạm nhân quyền, nhưng cũng mặc nhiên xác nhận một sự kiện mà phiá Hành Pháp không muốn đề cập đến, đó là họ đã coi nhẹ lãnh vực nhân quyền khi đối đầu với Hà Nội trong thời gian qua. Đó là lý do Toà Bạch Ốc đã phải thay đổi chương trình, cắt bỏ các phần thuyết trình có chất lượng về nhân quyền, đề nghị chọn lựa những thành phần “trẻ”, nhưng thực chất là thiếu kinh nghiệm để dễ dàng điều hướng. Có thể nói, Toà Bạch Ốc không muốn thấy trong ngày 5 tháng 3, ngạy tại khuôn viên Toà Bạch Ốc, Cộng Đồng Người Việt, không những tố cáo Hà Nội vi phạm nhân quyền mà còn qui trách nhiệm cho Hành Pháp đã không làm tròn chức năng của họ. Hãy tưởng tượng nếu thuyết trình viên không phải Billy Le, Cindy Dinh mà là những chuyên viên kinh nghiệm và dày dạn về nhân quyền, hiểu rỏ chính sách ngoại vận của Hoa Kỳ và Hà Nội, thì cuộc hội thảo sẽ diển ra theo chiều hướng nào? Liệu cô Tuyết Dương, cố vần về dân quyền và di trú thuộc Văn phòng Tiếp cận Cộng Đồng, có thể lèo lái nội dung cuộc thảo luận theo hướng của Toà Bạch Ốc không?
Thỉnh Nguyện Thư và cuộc vận động chính giới tại Hoa Thịnh Đốn trong hai ngày 5 và 6 tháng 3 năm 2012 là một thành quả ngoại vận vô cùng tốt đẹp của Cộng Đồng Người Việt. Nếu phải xác định ai thắng, ai bại thì có thể nói là Cộng Đồng Người Việt đã thắng vẻ vang. Vì không riêng gì Hành Pháp Hoa Kỳ phải nhượng bộ trước sức mạnh ngoại vận, phiá Lập Pháp đã nhận ra khả năng vận động của Cộng Đồng, ngay cả nhà cầm quyền Cộng sản cũng đã bị hố to. Từ nay về sau, các luận điệu như Cộng Đồng Người Việt là khúc ruột của Tổ quốc, hay họ chỉ là những kẻ thua trận, bọn quá khích thiểu số, bọn khủng bố v.v… đều không đủ sức thuyết phục, không những đối với Nhân dân trong nước mà ngay cả đối với các chính giới Hoa Kỳ. Nói cách khác, gần 150 ngàn chử ký là những lá phiếu của Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền, vả vào mặt chế độ và tố cáo bản chất độc tài, vi phạm nhân quyền của Hà Nội trước công luận thế giới.
Cái gì đã và sẽ xảy ra?
Sự việc đáng tiếc lẽ ra có thể giải quyết trước. Khi Văn phòng Tiếp cận Cộng Đồng gửi thư qua email trước ngày 5 tháng 3, họ đã đề trên lá thư mời rỏ ràng là “National Vietnamese American Leaders Briefing”. Chính trong tiêu đề in trong tờ chương trình, phần thuyết trình cũng ghi rõ “Updates from Young Vietnamese Leaders on Diaspora Communities” một cụm từ dễ gây ngộ nhận, vì nó gần trùng với tiêu đề đã từng sử dụng cho cuộc hội thảo hồi tháng 7 năm 2011, tại Washington DC do Boat People SOS tổ chức.
Nói cách khác, những người trong cuộc lúc đó có trách nhiệm phải liên lạc và yêu cầu Văn Phòng Tiếp Cận Cộng Đồng thay đổi hình thức lẫn nội dung ngay từ đầu để tránh ngộ nhận. Thay vì đợi đến lúc đã rồi thì mới phản đối, bước ra khỏi phòng họp, hoặc giải thích, biện hộ vòng vo thì “tình ngay, lý gian”, gây ra những tổn hại, nghi kỵ không cần thiết và vô bổ trong Cộng Đồng.
Thành qủa của gần 150 ngàn chử ký đòi hỏi Hành Pháp phải cứng rắn trong các chính sách đối ngoại với Hà Nội có giá trị vô cùng to lớn. Đây là sức mạnh của Cộng Đồng, đặt điều kiện và bày tỏ các nguyện vọng trên mặt trận ngoại vận cũng như vận động chính trị, có lợi cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân quyền. Thành quả này, không phải của riêng ai, không phải của SBTN hay Boat People SOS, nó là nổ lực và tài sản chung của cả Cộng Đồng người Việt tại Hoa Kỳ và Hải Ngoại. Và vì vậy, cần thẩm định và đánh giá trung thực, khách quan để tránh thái độ ‘công thần” hay “độc quyền” hoặc “cầm nhầm”. Tất cả chỉ có hại cho đại cuộc; vừa làm nản lòng những người đã góp sức đấu tranh, vừa tự làm giảm giá trị của mình trong mắt quần chúng. Tôi vẫn tin rằng chúng ta “nhân vô thập toàn”. Đã có những thiếu sót, khuyết điểm trong việc tổ chức và những khuyết điểm này cần phải học hỏi, rút kinh nghiệm để hoàn hảo hơn. Nhưng nếu khuyết điểm là vấp vào bản chất của lòng “tự cao, tự đại”, của “độc đoán” trong cách hành xử và giải quyết công việc, thì sẽ tự làm hại mình, bị tảy chay, cô lập và dẫn đến hậu quả của thất bại, không sớm thì muộn.
Việc dấu tên thành phần ban thuyết trình “trẻ”, đợi đến phút chót mới biết đã không phải là quyết định có lợi. Nếu “Billy Le” có vấn đề, không hội đủ tiêu chuẩn của sự khách quan tối thiểu, đại diện cho gần 150 ngàn chữ ký để thuyết trình tại Toà Bạch Ốc, thì việc dấu tên thành phần thuyết trình, phút chót mới công bố, đã góp phần tạo ra những dư luận bất lợi. Cuộc thuyết trình tại Toà Bạch Ốc, không phải chỉ thay mặt SBTN hay Boat People SOS, mà là thay mặt cho gần 150 ngàn chữ ký. Phải ý thức điều này để thấy tầm vóc hệ trọng của vấn đề, thì mới không vấp khuyết điểm chủ quan trong quyết định chọn nhân sự, thay mặt cả Cộng Đồng Người Việt Hải ngoại. Trong số gần 200 quan khách tham dự tại Toà Bạch Ốc, có nhiều người tại Washington DC, đủ khả năng và tầm vóc để nói thay cho Cộng Đồng. Sự kiện Toà Bạch Ốc đòi hỏi phải để người “trẻ” chỉ là thủ thuật, trẻ mà không đủ kinh nghiệm đấu tranh, trẻ mà hiện diện chỉ để làm dáng, trẻ nhưng không đủ vai vế để thay mặt Cộng Đồng, thì cần phải xét lại yếu tổ “trẻ”. Toà Bạch Ốc có nhu cầu của họ, nhưng Toà Bạch Ốc cũng khômg muốn thấy Cộng Đồng người Việt đề nghị huỷ bỏ cuộc gặp mặt vì chương trình chỉ để “trình diễn”, không thể hiện mối quan tâm sâu xa của hàng trăm ngàn chữ ký và hàng triệu triệu người Việt đang quan tâm đến Nhân quyền. Có thể nói ngày 5 tháng 3 có hàng triệu triệu trái tim, trong nước lẫn hải ngoại, đang hướng về cuộc họp tại Washington DC trong Toà Bạch Ốc. Vì vậy, những sơ sót đã làm nhiều người thất vọng, và không ít người đã phải quay mặt để dấu những giọt nước mắt chua chát.
Chúng ta mới chỉ đạt được thành quả bước đầu, chúng ta vừa mới chứng tỏ sức mạnh vận động ngoại vận của Cộng Đồng đối với Hành Pháp và Lập Pháp. Cần khai dụng sức mạnh này một cách khách quan và hiệu quả hơn nữa, nếu không thì gần 150 ngàn chữ ký của Cộng Đồng cũng chỉ nằm ở giá trị của biểu tượng. Đây là thử thách cho chúng ta và cho các anh chị em đang làm công tác vận động chính trị. Với kinh nghiệm vận động hậu trường, chúng ta hiểu rỏ, chính trị Mỹ là chính trị thực tiễn, quyền lợi đôi bên đều được cân nhắc và tính toán để không có ai là người thắng kẻ thua. Phiá Hành Pháp lẫn Lập Pháp đều có những nhu cầu của họ, và nếu chúng ta đáp ứng các nhu cầu này, những đòi hỏi và vận động của chúng ta có thể được lắng nghe và hồi đáp. Nói cách khác, đòi hỏi suông không phải là hướng giải quyết khả thi. Chúng ta đã đòi hỏi, phần còn lại chúng ta vận dụng sức mạnh, qua hình thức lá phiếu và vận động tài chánh, biến đòi hỏi thành hiện thực.
Không phải chỉ có Nhân Quyền
Chúng ta đấu tranh không phải chỉ đòi hỏi nhân quyền. Nhân quyền chỉ là một điểm của mặt trận Tự do và Dân chủ. Ngày nào chế độ độc tài CSVN còn hiện hữu, ngày đó nhân quyền còn tiếp tục bị vi phạm và chà đạp. Với bản chất tráo trở và đang bị tứ bề thọ địch, Hà Nội sẽ càng phải đàn áp mãnh liệt hơn bao giờ hết để bám víu độc quyền. Sẽ còn nhiều Việt Khang, Bùi thị Minh Hằng, Cù Huy Hà Vũ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Điếu Cày, Đinh Đăng Định v.v…vào tù, vì họ đã nói thay cho hàng triệu triệu người dân Việt. Vì vậy, mục tiêu trước mặt của Cộng Đồng Hải ngoại là vận dụng sức mạnh ngoại vận để đấu tranh, làm lợi và hổ trợ cho mục tiêu lâu dài của nhân dân trong nước, làm suy yếu chế độ độc tài, toàn trị, phản dân, hại nước. Hiện nay, các chế độ độc tài đang đi vào thời kỳ thoái trào và sẽ bị tiêu diệt bởi xu thế của lịch sử. Không có gì phải ngần ngại và sợ hãi để nói thẳng vào mặt của chế độ độc tài CSVN là “chở thuyền cũng là dân và lật thuyến cũng chính là dân”.
Ngày 13 tháng 3 năm 2012, một tuần sau cuộc họp ở Hoa Thịnh Đốn, chúng tôi đã có mặt trong cuộc vận động gây qũy tranh cử cho nữ Dân biểu Zoe Lofgren. Tại đây, tôi đã trao đổi với bà Dân biểu Zoe về cuộc họp tại Hoa Thịnh Đốn, và bà cũng đã ghi nhận những trục trặc. Trước đó, tôi cũng đã gửi tài liệu nhân quyền và so sánh trong lãnh vực này, từ thời Cựu TT George Bush tới đương kim TT Hoa Kỳ Barack Obama. Bên cạnh yếu tố nhân quyền, tôi cũng đã đề cập đến trào lưu Dân chủ và Cách mạng tại Trung Đông, mà chính sách ngoại vận của Mỹ, theo chủ trương làm bạn với chính quyền độc tài thay vì nhân dân, không phải là đối sách có lợi, cho cả Mỹ lẫn nhân dân Việt Nam.
Bài học về cách mạng ở Trung Đông, qua sự kiện TT Ai Cập, bạn thân của nhiều đời TT Hoa Kỳ, hiện đang đứng trước giá treo cổ là bằng chứng cho thấy lịch sử đang đi theo hướng nào. Tôi cũng nhấn mạnh đến mối quan tâm của Hà Nội hiện nay, trong việc đang ráo riết vận động mua vũ khí tối tân của Mỹ, cũng như nhờ cậy đồng minh Mỹ, giúp đỡ trong lãnh vực này. Theo tin mới nhất, Nga sẽ bán 48 chiến đấu cơ tối tân Su-35 cho Trung Quốc, trong khi Su-30 đã bán cho Việt Nam, đang bị trở ngại kỷ thuật. Điều này càng khẳng định mối lo ngại của Hà Nội, trước viễn ảnh bị Nga Sô đi đêm Trung Quốc, bán đứng và đâm sau lưng Hà Nội.
Mối quan hệ Mỹ- Việt sẽ vượt ra khỏi tầm vận động chính trị của chúng ta. Vì quyền lợi khu vực và chính sách ngoại giao ngắn hạn, Chính quyền Obama có thể sẽ bỏ quên những đòi hỏi của Cộng Đồng. Điều này từng xảy ra và sẽ xảy ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ- Việt trước thế cần quân bình và cầm chân Trung Quốc tại Đông Nam Á. Dù thế nào, chúng ta cũng cần nhận ra sức mạnh của Cộng Đồng đứng ở đâu trong cuộc vận động chính trị hiện nay. Với khả năng vận dụng gần 150 ngàn chữ ký trong thời gian kỷ lục, chúng ta đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ để ảnh hưởng đến chính giới Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới. Cứ tưởng tượng, nếu một khối cử tri Việt sẽ bỏ cho một vị Dân cử nào đó, ở Texas hay California, thì sự ảnh hưởng sẽ mạnh mẽ cở nào! Cứ tưởng tượng, chỉ cần mỗi một người ký tên trong Thỉnh Nguyên Thư tự nguyện ghi danh đi bầu, và mỗi người ký tặng một dollar vào quỹ tranh cử Tổng Thống, hay Dân biểu, Thượng Nghị sĩ, sẽ là sức mạnh. Và sức mạnh sẽ được đo lường ở mức độ vận động có kế hoạch, đồng bộ, không mơ hồ hay chỉ nói chung chung. Người Mỹ có câu, “show me the money” hay “talk is cheap” để xác định yếu tính thực tiển. Đã đến lúc, gần 150 ngàn chữ ký phải bước qua giai đoạn biểu tượng, để chứng tỏ sức mạnh của lá phiếu và khả năng tài chánh, áp lực lên Lập pháp lẫn Hành Pháp, để thúc đẩy những chính sách có lợi cho nổ lực đấu tranh trên mặt trận Nhân quyền, Dân chủ và Tự do cho Việt Nam.
Chuyện bên lề
Tôi đã từng từ chối cuộc gặp mặt ở Toà Bạch Ốc với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (National Security Councils) vì không phải chúng ta cứ “goị dạ bảo vâng”. Khi tôi tham dự các cuộc họp ở tầm vóc quốc gia, tôi ý thức vai trò của mình không đại diện cho cá nhân, hay đảng phái, mà tôi đang thay mặt cho đồng bào của tôi, hàng triệu triệu người Việt trong ngoài nước, đang khao khát Dân chủ, Tự do. Chúng ta có nhu cầu khai dụng ngoại vận để có lợi cho đại cuộc, nhưng cũng không vì vậy mà đánh mất bản chất tự trọng của Dân tộc. Vì nhiều lý do, khó có thể đảo ngược quyết định của Toà Bạch Ốc, nhưng cũng đừng để họ đánh giá chúng ta. Có thể có người nói tôi bị “chảnh” theo cách nói sau này. Nhưng nếu “chảnh” vì đồng bào, vì tự ái dân tộc, thì tại sao lại không “chảnh” để khỏi phải hối tiếc.
Trong cuộc vận động tại Quốc Hội, tôi đã phải xót xa khi thấy hàng trăm đồng bào đứng bơ vơ như rắn mất đầu, không biết phải làm gì vì người chịu trách nhiệm chưa có mặt vì nhiều lý do. Chương trình vận động Quốc Hội đã không kịp gửi trước đêm hôm đó. Gần 2 tiếng đồng hồ đứng lạnh cóng ngoài hành lang Quốc Hội, chỉ vì sơ sót, vừa mất thời gian, vừa lộn xộn và hổn độn đã gây nhiều phiền muộn. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ đó chỉ là những khuyết điểm không thể tránh khỏi trong quá trình tổ chức, không vì vậy mà phải lên án, chê trách.
Một ngày sau cuộc vận động ở Quốc Hội, Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam đã được Ùy ban Đối Ngoại Hạ Viện thông qua. Có thể đây là một sự trùng hợp, nhưng cũng có thể nhờ nổ lực vận động chính trị của Cộng Đồng. Hà nội đã vội vã lên tiếng phản đối và bài bác Dự luật. Điều này càng làm rỏ bộ mặt trơ tráo của chế độ, khi không biết xấu hổ tuyên bố “trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều những thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lãnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.”
Hai ngày sau cuộc vận động tại Hoa Thịnh Đốn, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng về trường hợp bắt giữ anh Đinh Đăng Định, một giáo viên ở Tây Nguyên, đã gia nhập hàng ngũ chiến sĩ dân chủ, đã mạnh mẽ phê phán chế độ độc tài và kêu gọi huỷ bỏ điều 4 Hiến pháp. Anh Đinh Đăng Định không giống như Ls. Lê Công Định hay Linh mục Nguyễn Văn Lý, trường hợp của anh không gây tiếng vang và không có nhiều người biết đến, dù vậy Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng phản bác. Phải chăng họ đã học được bài học và thay đổi hướng giải quyết đối với các chính sách leo thang, vi phạm nhân quyền của Hà Nội.
Có nhiều người hỏi tôi nếu có cơ hội gặp TT Barack Obama, giống như lần gặp ông TT George Bush năm 2007, tôi sẽ đề nghị những gì. Thực sự, điều tôi ngại không phải là tìm câu hỏi cho ông Obama, mà tôi lo ông sẽ hỏi ngược lại tôi: “Cộng Đồng Việt Nam muốn Chính phủ Hoa Kỳ áp lực Hà nội về mặt thương mại, để họ tôn trọng nhân quyền. Nhưng tôi biết qúy vị đã gửi gần 10 tỷ dollars về Việt Nam hàng năm, đồng tiền này cũng đang tiếp tay củng cố nền kinh tế XHCN, tại sao Cộng Đồng lại không áp lực với Hà Nội?” Có lẽ tôi sẽ không có câu trả lời? Nói theo cách của người miền Nam là “cứng họng”.
Năm 2010, giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Hoa kỳ gần 20 tỷ dollars, trong khi đó con số không chính thức, Cộng Đồng Người Việt đã gửi về cho gia đình, hoặc đầu tư lên đến gần 10 tỷ dollars. Đây là những nghịch lý mà chúng ta cần nhìn lại, không thể đấm ngực nói lỗi tại tôi mọi đàng, rồi mong chờ người khác giải quyết. Chúng ta có trách nhiệm với gia đình, thân nhân nhưng cũng có trách nhiệm với Đất nước, và Dân tộc. Mỗi người cần tự vấn và có kế sách khả thi. Cần hiểu rằng trong số 1 dollar gửi về cho thân nhân, có thể hơn 50 xu đã làm đòn bẩy để nuôi sống cơ chế tham nhũng, độc tài.
Phải chăng, nên bắt đầu từ những người tiên phong đã ký Thỉnh Nguyện Thư? Phải chăng, con số 150 ngàn chử ký là biểu tượng của cả trăm ngàn con tim đang sẵn sàng nhập cuộc nhưng chưa biết phải làm gì? Đừng để họ như rắn mất đầu trong ngày 6 tháng 3 năm 2012 tại khuôn viên Quốc Hội? Hãy bắt đầu cho một Vận hội mới của Dân Tộc. Đâu rồi những lãnh đạo “trẻ” có đủ bản lãnh để lèo lái trong cơn thử thách?. Lãnh đạo là tiên liệu, là đi tiên phong chứ không phải tự phong. Tôi mong chúng ta có thêm nhiều lãnh đạo, trong cũng như ngoài nước, ở cùng ý nghĩa đó để Dân tộc và Đất nước được hồi sinh.
Cách mạng là một sự thay đổi, đột biến và đảo lộn mọi thứ. Không ai ngờ, ngọn lữa tự thiêu của anh sinh viên bán hàng rong Mahamed Bouzzizi ở Tunisia năm 2010, đã quật ngã hàng loạt chế độ độc tài tại Trung Đông và Bắc Phi. Chính vì Hà nội đã dập tắt lời ca tiếng hát Việt Khang, nên đã làm hứng khởi cho bản Thỉnh Nguyên Thư lịch sử. Ngày nào Cách Mạng Việt Nam bùng nổ?, chúng ta chưa có câu trả lời. Nhưng điều chúng ta có thể khẳng định là một chế độ độc tài, toàn trị như CSVN, một chế độ cai trị dựa trên bạo lực, nhà tù và súng đạn, thì thời gian để chế độ tồn tại sẽ đếm từng ngày.
Đỗ Thành Công
No comments:
Post a Comment